Những năm gần đây, điều trị bằng y học cổ truyền được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Điều này đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 04/7/2008 của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Trung tâm Y tế Ngân Sơn cũng đã xác định được mục đích phát triển y học cổ truyền là hướng đến lợi ích của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó việc xây dựng và phát triển vườn thuốc nam mẫu tại bệnh viện huyện và 11 trạm y tế xã thị trấn là một trong những công tác quan trọng để gìn giữ các loại cây thuốc, dược liệu quý và tuyên truyền cho nhân dân về trồng và sử dụng thuốc nam tại cộng đồng
Đồng thời hưởng ứng phòng trào xây dựng cơ sở y tế “Xanh-sạch-đẹp” của ngành Y tế, việc xây dựng mô hìnhcác vườn thuốc nam mẫu còn tạo cảnh quan, tăng khoảng không gian xanh, trong lành cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Mô hình vườn thuốc nam tại bệnh viện huyện
Thực hiện Chỉ đạo của Chi bộ Trung tâm Y tế về việc giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên chăm sóc vườn thuốc nam và Kế hoạch hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019. Chăm sóc vườn thuốc nam là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Chi đoàn Y-dược. Các đoàn viên trong Chi đoàn được phân công phụ trách cụ thể từng ô riêng biệt đảm bảo việc chăm sóc, bón phân làm cỏ, trồng mới được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đoàn viên Chi đoàn chăm sóc vườn thuốc nam
Vườn thuốc nam tại bệnh viện huyện Ngân Sơn có diện tích khoảng 60m2, gồm các nhóm cây: nhóm chữa cảm sốt, chữa ho, mụn nhọt, nhóm chữa bệnh cơ-xương - khớp, nhóm thuốc lợi tiểu… với cá loại cây thường gặp dễ trồng: ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, tía tô, rẻ quạt, cúc tần..v.v…
Với nhiệt huyết và sức trẻ của mình, các đoàn viên Chi đoàn đang góp một phần công sức cho công tác phát triển nền y học y học cổ truyền tại huyện nhà. Xây dựng vườn thuốc nam cùng với công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn, điều trị tại chỗ”. Chú trọng việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh.
Bài và ảnh: Hà Điểm
(Phòng KHTH -TTYT Ngân Sơn)