Ngày 10/10/2019, Trạm Y tế xã Thượng Ân tổ chức thực hành dinh dưỡng và hướng dẫn cho phụ nữ có thai và các bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên địa bàn xã.
Dinh dưỡng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi có ý nghĩa quan trọng tới sức khoẻ và cả quá trình phát triển của trẻ. Khi dinh dưỡng của trẻ không đáp ứng đầy đủ sẽ dẫn đến chậm phát triển và cả những biến đổi về hoá sinh và những hậu quả bệnh tật của thiếu các chất dinh dưỡng. Nếu thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng nhiều vấn đề sức khoẻ, bệnh tật của trẻ có thể phòng và cải thiện được nếu được điều chỉnh đúng kịp thời.
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quí giá cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, lúc 6 tháng tuổi trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Nhưng ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt cũng là vấn đề các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm.
1. Thời điểm cho trẻ ăn dặm:
Ăn bổ sung (ăn dặm) là cho trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Thời gian bắt đầu cần cho trẻ ăn dặm là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi.
2. Trẻ ăn dặm như thế nào?
Để phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Lưu ý là ngay từ khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm và phải được ăn dặm đúng cách, đó là bột/cháo nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm
3. Cách chọn thực phẩm bổ sung cho trẻ:
- Giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng: đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folate (có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, hải sản, sữa…).;
- Sạch và an toàn: Không có tác nhân gây bệnh (không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác); Không có các hóa chất có hại hoặc chất độc; Không có xương hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho trẻ.
- Không quá nóng, cay, mặn, dễ ăn với trẻ, trẻ thích ăn.
- Dễ chuẩn bị từ các thực phẩm của gia đình, địa phương, giá hợp lý, dễ nấu.
4. Cách cho trẻ ăn dặm đúng cách:
Để đảm bảo cho trẻ ăn dặm đúng cách, ngon miệng và hấp thu tốt cần:
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu và chia thành các bữa nhỏ (với trẻ mới ăn dặm hoặc trẻ biếng ăn). Tránh ăn trong bữa chính của trẻ những thức ăn thô nguyên hạt khó tiêu thấp năng lượng như ngô, khoai môn, bột sắn…
- Ða dạng thực phẩm: thay đổi các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, để ý chọn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn đủ bữa.
- Với trẻ ăn kém, chậm lên cân hay sau đợt ốm, cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp đà phát triển, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm động vật: sữa mẹ, sữa công thức (trong trường hợp không được bú mẹ), trứng, thịt, cá…
Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ để đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể được thuận lợi.
Đây cũng là một trong những hoạt động của Trạm y tế, nhằm giúp các bà mẹ và phụ nữ có thai nâng cao sự nhận thức và thay đổi hành vi trong việc giúp trẻ có nguồn dinh dưỡng phù hợp theo từng độ tuổi, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng./.
Bài : Trần Lan (TTYT Ngân Sơn)
Ảnh: Lưu Danh ( Trạm Thượng Ân)