Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh Corona

Tài liệu truyền thông PCDB corona

04-02-2020

I.    MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO VỀ TRUYỀN THÔNG nCoV

Chỉ thị 03/CT-BYT, ngày 20/01/2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona;

Công văn số 380/BYT-TT-KT, ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona;

Kế hoạch 48/KH-UBND, ngày 31/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona trên địa bàn tỉnh; 

Công văn số 173/BYT-TT-KT, ngày 02/02/2020 của Sở Y tế về việc giao tham mưu thực hiện nội dung truyền thông phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona;

II.     CẬP NHẬT TÌNH HÌNH NHIẼM nC0V ĐẾN 6h, NGÀY 4/2/2020

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 06 giờ 00, ngày 04/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau:

- Tổng số trường hợp mắc: 19.843 ,trong đó tại lục địa Trung Quốc: 19.655
- Tổng số trường hợp tử vong: 426, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 425, tại Philippine: 01

- Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 188.

- 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận rường hợp mắc như sau:

1. Nhật Bản: 20 trường hợp

2. Thái Lan: 19 trường hợp

3. Singapore: 18 trường hợp

4. Hàn Quốc: 15 trường hợp

5. Hồng Kông (TQ): 15 trường hợp

6. Úc: 12 trường hợp

7. Đức: 12 trường hợp

8. Mỹ: 11 trường hợp

9. Đài Loan (TQ): 10 trường hợp

10. Malaysia: 8 trường hợp

11. Ma Cao (TQ): 8 trường hợp

12. Việt Nam: 8 trường hợp

13. Pháp: 6 trường hợp

14. Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 5 trường hợp

15. Canada: 4 trường hợp

16. Ấn Độ: 3 trường hợp

17. Ý: 2 trường hợp

18. Anh: 2 trường hợp

19. Nga: 2 trường hợp

20. Philippine: 2 trường hợp (01 trường hợp tử vong)

21. Campuchia: 1 trường hợp

22. Phần Lan: 1 trường hợp

23. Nepal: 1 trường hợp

24. Sri Lanka: 1 trường hợp

25. Thuỵ Điển: 1 trường hợp

26. Tây Ban Nha: 1 trường hợp

III. NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ 2019- nCoV

Câu hỏi 1: Coronavirus 2019 LÀ GÌ?

Trả lời: Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

Câu hỏi 2: NGUỒN GỐC CỦA 2019-nCoV TỪ ĐÂU?

Trả lời: Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Virus corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.

Câu hỏi 3: CƠ CHẾ 2019-nCoV LÂY LAN NHƯ THẾ NÀO?

Trả lời: Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Câu hỏi 4: 2019-nCoV CÓ GIỐNG VỚI VI RÚT MERS-CoV HOẶC SARS KHÔNG?

Trả lời: Không. Coronavirus là một họ virus lớn, một số virus gây bệnh ở người và virus lây truyền giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. 2019-nCoV mới xuất hiện gần đây không giống với coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Hiện nay, những cuộc điều tra đang diễn ra để tìm hiểu thêm.

Câu hỏi 5: LÀM THẾ NÀO GIÚP TÔI CÓ THỂ BẢO VỆ BẢN THÂN?

Trả lời: Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Những người từ Trung Quốc trở về

- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Những người đến Trung Quốc

- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.

- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Câu hỏi 6: TÔI PHẢI LÀM GÌ KHI CÓ LỊCH TRÌNH ĐI LẠI, DU LỊCH?

Trả lời:

1. Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở

- Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho.

- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng

3. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách

- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.

- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm

- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế

5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

Câu hỏi 7: TÔI CÓ THỂ LIÊN HỆ THÔNG BÁO THÔNG TIN BẰNG CÁCH NÀO?

Trả lời: Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 19003228.

Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

Câu hỏi 8: NHỮNG TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG 2019-nCoV CÓ THỂ GÂY RA LÀ GÌ?

Trả lời: Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Câu hỏi 9: LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM TRA MỘT NGƯỜI CÓ NHIỄM 2019-nCoV HAY KHÔNG?

Trả lời: Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Ngày 28/1/2020, Bộ Y tế đã có văn bản 362/BYT-KCB gửi Bệnh viện, Sở Y tế, y tế các bộ, ngành thực hiện việc tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona với phân tuyến khu vực cho các Bệnh viện, Viện cụ thể.

Câu hỏi 10: CÁC CHUYÊN GIA Y TẾ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ VÀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ CẦN LÀM GÌ?

Trả lời: Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc.

IV. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT NGƯỜI TIẾP XÚC GẦN VỚI CA BỆNH n-CoV VÀ NGƯỜI TỪ VÙNG DỊCH VỀ (Theo công văn số 364/BYT- DP)

1. Tổ chức điều tra, lập danh sách, ghi nhận thông tin cá nhân về địa chỉ lưu trú, số điện thoại, tình trạng sức khỏe hàng ngày trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với các trường hợp sau:

- Trường hợp mắc bệnh;

Người có sốt từ Trung Quốc và các Quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày.

2. Cung cấp cho người tiếp xúc gần thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị. Hướng dẫn cá nhân tự theo dõi sức khỏe, thông báo tình hình sức khỏe ngày 2 lần cho cơ sở y tế theo số điện thoại đường dây nóng. Trường hợp không nhận được thông tin sức khỏe cá nhân từ người tiếp xúc, các đơn vị chịu trách nhiệm gọi điện thoại hoặc liên hệ để có được thông tin về tình trạng sức khỏe.

3. Hướng dẫn người tiếp xúc gần chủ động cách ly tại nơi cư trú để phòng tránh lây nhiễm cho người thân và mọi người xung quanh như:

- Đeo khẩu trang y tế khi giao tiếp và tránh đi lại đến những chỗ đông người;

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khi ho cần che kín miệng và mũi bằng tay hoặc khăn giấy, sau đó rửa tay ngay bằng xà phòng và bỏ giấy vào thùng rác quy định; không khạc nhổ bừa bãi;

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm đã được làm chín;

- Khi có biểu hiện bệnh như sốt, ho, khó thở cần thông báo ngay cho y tế địa phương để kịp thời cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm. Đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển và những người đã tiếp xúc.

4. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp thông tin về tình hình sức khỏe của tất cả người được theo dõi trên địa bàn huyện, thành phố. Báo cáo tổng hợp kết quả (theo mẫu gửi kèm) gửi trước 16h00 hàng ngày về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)  để tổng hợp báo cáo Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Sở Y tế.

V. BỘ Y TẾ KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN VÀ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN TỐT CÁC BIỆN PHÁP SAU

1. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…

- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

2. Những người từ Trung Quốc trở về

- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

3. Những người đi đến Trung Quốc

- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấpcấp do vi rút corona nCoV.

- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

- Thông tin về phòng chống bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona nCoV thường xuyên cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: https://www.moh.gov.vn/ và website Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov.vn/

4. Phát hiện mới: virus corona lây qua đường tiêu hóa?

Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng, coronavirus mới có thể lây qua đường tiêu hóa (phân, miệng) bên cạnh các đường lây truyền đã được biết đến là qua giọt bắn và tiếp xúc thông thường. Đây là thông tin được Tân hoa xã  phát đi dựa trên kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Trung Quốc.

Theo đó, các chuyên gia của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (cơ quan nghiên cứu khoa học tự nhiên số một của Trung Quốc) đã tìm thấy acid nucleic trong phân và dịch nhầy trực tràng của bệnh nhân sau khi họ nghiên cứu và  thấy rằng, triệu chứng ban đầu của một số người nhiễm coronavirus chỉ là tiêu chảy, thay vì triệu chứng phổ biến là sốt.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, coronavirus mới vẫn có độ lây truyền nhất định qua đường phân, miệng, bên cạnh đường lây qua giọt bắn (nước bọt) và tiếp xúc gần.

Nếu con đường lây truyền qua đường tiêu hóa được khẳng định chắc chắn, sẽ có khuyến cáo cụ thể liên quan ăn uống (hạn chế ăn thịt sống, rau sống), quan hệ tình dục, vệ sinh cá nhân (dùng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn), xả nước thải y tế, trồng trọt (bón phân bắc), chăn nuôi…

5. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo quan trọng về dịch viêm phổi cấp yêu cầu người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Người tiếp xúc gần với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh nCoV trong vòng 14 ngày phải thông báo cho các cơ sở y tế địa phương.

2. Người tiếp xúc gần với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh nCov phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác.

3. Hiện nay đang có dịch nCoV, người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng, lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông.

4. Hiện nay đang có dịch nCoV, người dân không đi du lịch Trung Quốc và hạn chế đi du lịch các nước đang có dịch khác.

5. Thường xuyên theo dõi trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y Tế để kịp thời cập nhật, làm theo hướng dẫn.      

HƯỚNG DẪN ĐEO KHẨU TRANG Y TẾ ĐÚNG CÁCH

Theo ông Seto Wing Hong – Chuyên gia của WHO cho biết: WHO đã thực hiện nhiều nghiên cứu và chứng minh khẩu trang y tế rất hiệu quả trong việc phòng dịch lây nhiễm qua đường hô hấp.

Hiên nay, trên thị trường có 3 loại chính là khẩu trang vải, khẩu trang y tế 3 lớp và khẩu trang N95 (có và không có van thở). Việc sử dụng khẩu trang nào là tùy theo mục đích, môi trường, độ tuổi để lựa chọn.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus nCoV diễn biến phức tạp.diễn biến phức tạp. PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo mới nhất về việc đeo khẩu trang đúng cách để phòng lây nhiễm virus nCoV.

1. Đối với người dân tại cộng đồng: Áp dụng đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường.

2. Đối với người chăm sóc, điều trị bệnh nhân và những người đi vào vùng dịch: Áp dụng đeo khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.

3. Hướng dẫn cách đeo khẩu trang

* Đối với khẩu trang vải:

- Che kín cả mũi và miệng;

- Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo;

- Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra;

- Khi tháo khẩu trang ra, chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.

Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau. Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh.

* Đối với khẩu trang Y tế 3 lớp (khẩu trang y tế thông thường): Lớp ngoài thường có màu xanh dương, có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt xì, ho, thở mạnh...

Lớp trong khẩu trang luôn màu trắng có tính thấm nước tốt, nhằm hút mồ hôi, tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.

- Đeo mặt màu xanh dương quay ra phía bên ngoài, mặt màu trắng vào bên trong, mép có kẹp nhôm hướng lên trên; Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa vuốt kẹp nhôm ôm sát sống mũi;

- Đảm bảo che kín cả mũi và miệng:

- Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra;

- Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và bỏ vào thùng rác;

Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh.

Đối với khẩu trang N95: N95 có nghĩa là lọc được 95% bụi mịn 0,3 micron trong không khí. Như vậy, N95 lọc tốt hơn khẩu trang y tế. Tuy nhiên, N95 phải đeo khít, kín khuôn mặt mới đạt được hiệu quả mong muốn.

- Tay trái đỡ mặt ngoài khẩu trang, 2 quai đeo của khẩu trang vòng sau mu tay, đưa khẩu trang úp kín mũi và miệng, mép có kẹp nhôm hướng lên trên. Tay phải cầm lấy 2 quai đeo, nâng qua đầu vòng ra sau tai.

- Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa vuốt kẹp nhôm ôm sát sống mũi;

- Đảm bảo che kín cả mũi và miệng:

- Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra;

- Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và bỏ vào thùng rác;

Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh. 

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH RỬA TAY THƯỜNG QUY CỦA BỘ Y TẾ

NGĂN NGỪA VI RUS CORONA

Bước 1. Làm ướt tay, xoa xà bông hoặc nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay;

Bước 2. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau;

Bước 3. Xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái, làm sạch các kẽ ngón tay và ngược lại;

Bước 4. Móc 2 bàn tay vào nhau,; xoay cổ tay nửa vòng, chà sạch các kẽ ngón tay;

Bước 5. Nắm chặt ngón cái tay phải, xoay theo chiều chuyển động tròn rồi đổi tay;

Bước 6.

Chụm các đầu ngón tay của bàn tay này chà vào lòng tay kia và ngược lại

Rửa sạch tay dưới vòi nước, dùng khăn sạch thấm khô tay. Dùng khăn lau tắt vòi nước./.

Đánh giá bài viết
(1 Đánh giá)
Đọc 261 lần
Đăng nhập để đăng nhận xét

 

Lịch

« Tháng Mười Một 2024 »
TH2 TH3 TH4 Th5 TH6 TH7 CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30  

Trang thông tin điện tử

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN NGÂN SƠN

Địa chỉ: Xã Vân Tùng - huyện Ngân Sơn - tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 0281.3.874.102

Bản quyền thuộc về Trung tâm y tế huyện Ngân Sơn

Xây dựng và phát triển bởi Sỏ Y tế tỉnh Bắc Kạn

Hình ảnh đơn vị

showshowshowshow
Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]