Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng choáng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu.
Bánh rau là phần phụ của thai, giữ chức năng trao đổi chất giữa mẹ và thai và giữ cho thai cố định trong buồng tử cung. Thời kỳ chuyển dạ, sau khi sổ thai, đến thời kỳ sổ rau, bánh rau sẽ bong ra hoàn toàn và được tống ra ngoài. Trường hợp rau bong trước khi sổ thai được gọi là rau bong non.Rau bong làm giảm hoặc cắt đứt nguồn trao đổi oxy và dinh dưỡng của thai, khiến thai có thể tử vong. Do đó, rau bong non chính là một cấp cứu sản khoa cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai nhi.
Hồi 20 h ngày 15 tháng 4 năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn tiếp nhận sản phụ La Thị N 38 tuổi thường trú Tiểu khu 1 Thị trấn Vân Tùng, chị N mang thai lần hai lần đầu chị mổ lấy thai, lần này thai vừa bước vào tuần thứ 39. Chị N nhập viện trong tình trạng đau bụng đột ngột, co cứng toàn bộ khối tử cung và ra máu nhiều. Sau khi nhập viện được làm các xét nghiệm cấp cứu, siêu âm và hội chẩn; được chẩn đoán xác định là rau bong non rất nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ và con, chị N lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca phẫu thuật cấp cứu được thực hiện kịp thời bởi kíp mổ bác sĩ CKI Nông Văn Lực là phẫu thuật viên chính và bác sỹ La Bá Trình, kíp gây mê bác sỹ Nông Văn Binh. Sau khoảng 15 phút phẫu thuật, 1 bé gái đã ra đời cân nặng 2.900 gr trong niềm hân hoan của cả kip phẫu thuật và gia đình, tử cung của sản phụ được bảo tồn thành công. Sau phẫu thuật tình trạng người mẹ an toàn và chuyển về phòng hồi tỉnh đã được truyền 02 ĐV khối hồng cầu cùng nhóm máu, hiện tại sức khỏe hai mẹ con sản phụ ổn định và đã được xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo các sản phụ trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kì. Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý:
Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm.
Khi có thai phải có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén.
Bổ sung axitfolic trước và ngay sau khi mang thai.
Việc theo dõi sức khỏe càng quan trọng hơn ở những tháng cuối thai kỳ, người mẹ mang thai cần thực hiện thăm khám thai định kỳ , khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết âm đạo, đau bụng dưới... thai phụ cần kịp thời đến bệnh viện nơi gần nhất để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bác sĩ Nông Văn Lực
Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản & phụ sản