Ngày 28/3/2024 Khoa Hồi sức cấp cứu- Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn tiếp nhận bệnh nhân T.V. H, 55 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, mạch chậm, tức ngực, khó thở, yếu cơ tứ chi, không liệt cảm giác. Qua khai thác được biết bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, lao động bình thường, sau một đêm ngủ dậy tự nhiên xuất hiện mệt mỏi, tê bì, co rút cơ 2 chân, sau đó yếu liệt tứ chi không thể vận động, đi lại được. Bệnh nhân được nhận định: Theo dõi Hạ Kali máu. Sau khi có các kết quả cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán: Hạ kali máu. Sau ba ngày được điều trị bù dịch, bù kali, nay bệnh nhân đã hồi phục, có thể tự đi lại được và xuất viện.
Hạ Kali máu là gì?
Hạ Kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng. Đối với cơ thể, kali có vai trò vận chuyển tín hiệu điện đến các tế bào nên rất cần cho sự hoạt động của cơ bắp và tế bào thần kinh. Kali còn tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi hạ kali máu, cơ thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm. Bình thường, nồng độ kali máu của mỗi người ở trong ngưỡng 3.5 - 5.2 mmol/ lít máu. Hạ kali máu tức là nồng độ kali trong máu thấp hơn 3.5 mmol/l.
Vì sao lại bị hạ kali máu?
Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến hạ Kali máu: Do sự dịch chuyển kali qua màng tế bào, do thiếu cung cấp kali và cuối cùng là do mất kali. Rõ ràng nhất là hạ kali do chế độ ăn ít kali.
Hạ Kali máu có biểu hiện như thế nào ?
Triệu chứng hạ kali máu lâm sàng giai đoạn đầu thường gồm: đau - yếu cơ, chuột rút, liệt, mệt mỏi, táo bón, tim đập nhanh, ngứa, tê, tiểu nhiều lần và hay bị khát, có những cơn co cứng cơ và co giật.
Một số trường hợp có triệu chứng hạ kali máu nghiêm trọng sẽ xuất hiện tình trạng:
- Ngất xỉu do huyết áp bị tụt.
- Có hành vi bất thường: ảo giác, lú lẫn, mê sảng, rối loạn tâm thần,...
Biến đổi Hạ Kali máu trên điện tâm đồ
Điều trị hạ kali máu
Hạ kali máu được xem là cấp cứu nội khoa có tiên lượng nặng, dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đã nói ở trên nên người bệnh cần được chẩn đoán đúng để điều trị sớm.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hạ kali máu và phân loại mà bác sĩ sẽ cân nhắc liệu pháp thay thế kali. Thường thì những người có nồng độ kali vừa phải hoặc thấp ở mức nhẹ, triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ bù kali bằng đường uống. Phương pháp điều trị này an toàn, dễ quản lý, dễ hấp thu qua đường tiêu hóa mà ít tốn kém. Nếu trường hợp nồng độ kali máu dưới 3 mEq /L hay triệu chứng hạ kali máu nghiêm trọng, có rối loạn nhịp tim, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định truyền kali tĩnh mạch.
Riêng với những trường hợp từ triệu chứng đến kết quả xét nghiệm đều cho thấy hạ kali máu nghiêm trọng sẽ phải kết hợp cả kali đường uống và truyền tĩnh mạch.
Người bị hạ kali máu đang điều trị cần được xét nghiệm kali thường xuyên để tránh trường hợp kali máu tăng quá cao gây rối loạn nhịp dẫn đến tử vong.
Phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất
Cần tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài. Lao động trong thời tiết nắng nóng cần bù đủ nước điện giải, nghỉ ngơi hợp lý.
Tránh dùng các thảo dược hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng... có thể gây ra hạ kali máu. Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng. Bù đủ lượng kali mất đi hàng ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hoặc tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ do hạ Kali máu như đã nêu ở trên cần đến ngay cơ sở Y tế để được chẩn đoán và điều trị.
(Bài và ảnh: Hoàng Thị Tuất)