Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Xứng đánh là cánh tay nối dài, đắc lực của Ngành y tế

Chị Chu Thị Ún, Nhân viên y tế thôn bản Phiêng Dượng xã Đức Vân huyện Ngân Sơn, dù công việc, cuộc sống còn khó khăn song trong bất cứ hoàn cảnh nào chị cũng hoàn thành nhiệm vụ, xứng đánh với tên gọi “ Cánh tay nối dài, đắc lực” của ngành Y tế.

 

Chị Chu Thị Ún trong một lần truyền thông phòng bệnh, phòng dịch cho người dân

Vượt qua con đường đá mấp mô, tôi đến với thôn vùng cao Phiêng Dượng trong sáng mùa đông giá rét. Đến đây, hỏi nhà y tế thôn Chu Thị Ún là dân bản ríu rít chỉ nhà và tự hào kể về chị ấy một cách trìu mến. Dựng vác củi xuống trước cửa nhà, lau vội những giọt mồ hôi ướt đẫm, chị vui vẻ chào tôi “ Đợi lâu chưa em? Sáng chị tranh thủ dậy sớm đi lấy vác củi”.

Sinh năm 1966, là người dân tộc Dao với bản chất thật thà, chất phác, nhà nghèo nhưng ham học, chị trúng tuyển vào trường Trung cấp Y tế Cao Bằng. Năm 1992, ra trường nhưng vì lúc này chị đã lập gia đình, lại là dâu trưởng, nhà chồng neo người, không có ai chăm sóc bố mẹ chồng, chị đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ được khoác chiếc áo blouse trắng chữa bệnh cho người dân. Như duyên tiền định, đến năm 2000 được sự tín nhiệm của thôn xã,  sự động viên của gia đình và dân bản chị đã đảm nhận công tác nhân viên y tế thôn bản.

Phiêng Dượng có 47 hộ với 211 nhân khẩu,100% bà con nơi đây là người dân tộc Dao. Trước đây, công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của nhân dân còn nhiều hạn chế, đường xá đi lại khó khăn, phong tục lạc hậu, nhận thức của nhân dân về vệ sinh môi trường còn kém, hầu hết các gia đình chưa có các công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Tỷ lệ phụ nữ có thai đến được khám thai, tiêm phòng đầy đủ còn thấp (45%) , tỷ trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sinh con thứ ba, đẻ tại nhà còn tăng cao (39%). Đó là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân trong thôn.

Ý thức được vai trò và trách nhiệm, với những kiến thức đã được đào tạo, chị không ngần ngại khó khăn, vất vả đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân bỏ hành vi có hại cho sức khỏe đồng thời thực hành hành vi có lợi cho sức khỏe. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn đã gặp phải, chị trầm ngâm hồi tưởng lại: “ Những ngày đầu đi tuyên truyền vất vả lắm, nhiều nhà họ không chịu nghe mình đâu. Cái khó khăn lớn nhất của mình là làm sao để người dân nghe theo và chịu thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe”.

Theo chân chị đến thăm các hộ gia đình mới thấy tình cảm của dân bản và lòng nhiệt huyết với nghề của chị lớn lao nhường nào. Chị kiên nhẫn lắng nghe, ân cần giải thích. Bà con nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh cô y tế thôn bản đeo túi xách in chữ thập đến nhà hướng dẫn bà con cách nằm màn, phát quang bụi rậm, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh nhà cửa, ăn uống sạch, ở sạch, di rời chuồng trại xa nhà, hướng dẫn xây dựng sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; hướng dẫn bà con trồng những cây thuốc nam.

Trong thôn bản có người bị ốm đau, chị lại không ngại đêm hôm tất tưởi đến sơ cấp cứu, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc người bệnh, đến trạm Y tế. Chị khoe “ bảo bối” trong túi y tế thôn là những cuốn sách báo,tài liệuđược cấp phát mỗi khi đi tập huấn, giao ban. “ Phải đọc nhiều để biết thêm nhiều kiến thức, để nhớ và chỉ bảo cho bà con mình biết” - chị hào hứng nói.

Với sự cần mẫn, nỗ lực của chị, từ khi đảm nhiệm nhân viên y tế thôn bản, thôn Phiêng Dượng không có dịch bệnh lớn xảy ra, những vụ dịch nhỏ được phối hợp, giám sát kịp thời với trạm y tế xã để dập tắt. Tỉ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ luôn đạt 100%, tỉ lệ các hộ gia đình trong thôn sử dụng các công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt trên 75%, tỉ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ 2 mũi AT phòng uốn ván và khám đủ ba lần trong một thai kì đạt 99%, nhiều năm nay không có phụ nữ sinh con thứ ba, sinh con tại nhà, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 15 trẻ năm 2011 xuống còn 6 trẻ năm 2017 .

“ Để có được kết quả như vậy là nhờ công sức rất lớn của Cô Ún. Cô ấy nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc lắm.” Chị Nguyễn Thị Hoa, Trưởng thôn nói về chị Ún trong niềm tự hào.

Xong việc, tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, chị lại nhanh nhẹn xỏ đôi ủng và vác chiếc cuốc lên vai để tranh thủ đi vun ruộng thuốc lá cho kịp vụ này. Chị tâm sự thêm là nhà có 3 đứa con, cậu cả thì đi lái xe thuê để đỡ đần mẹ, cô con gái giữa đang học năm thứ 3 trường Đại học văn hóa Hà Nội, còn cô út thì cũng đang học năm 2 trường Học viện thanh thiếu niên “ Mình khổ cả đời rồi, giờ có khó khăn thế nào cũng phải cho các con học hành đến nơi đến chốn để thành người có ích cho xã hội. Được cái các cháu nhà chị cũng chăm ngoan, biết thương bố mẹ lắm”, chị cười rạng rỡ.

Nhìn chị hăng say với công việc của mình, nhìn nụ cười của lũ trẻ thơ và ánh mắt bừng sáng, tin yêu của dân bản nơi đây, nhìn gia đình nề nếp, sự chịu thương chịu khó, tôi lại càng thấy cảm phục năng lượng phi thường của chị. Xin được mượn lời một bài hát để nói về tấm gương của chị Chu Thị Ún “Mỗi sớm mai khi bình minh thức dậy/Dịch bệnh đẩy lùi, tràn ngập niềm vui/Áo choàng trắng giữa muôn màu hoa thắm/Đẹp biết bao người thầy thuốc Việt Nam!”.

Bài và ảnh CTV Hải Diễm

(Trạm Y tế xã Đức Vân huyện Ngân Sơn)

Đánh giá bài viết
(0 Đánh giá)
Đọc 1156 lần
Đăng nhập để đăng nhận xét

 

Trang thông tin điện tử

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN NGÂN SƠN

Địa chỉ: Xã Vân Tùng - huyện Ngân Sơn - tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 0281.3.874.102

Bản quyền thuộc về Trung tâm y tế huyện Ngân Sơn

Xây dựng và phát triển bởi Sỏ Y tế tỉnh Bắc Kạn

Hình ảnh đơn vị

showshowshowshow